Cháo dinh dưỡng là gì?
Cháo dinh dưỡng là một trong những món ăn khá quen thuộc đối với các bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Đặc biệt đối với các bé trong giai đoạn ăn dặm. Ngoài ra cháo dinh dưỡng cũng được dùng để bồi bổ cho người bệnh hoặc người già. Cháo dinh dưỡng là món ăn được tính toán cân đối đầy đủ hàm lượng tinh bột, chất đạm, chất béo và rau xanh.
Tinh bột: gạo tẻ, gạo nếp, gạo lúa mì
Chất đạm: thịt bò, thịt heo, thịt bồ câu, cá, tôm, cua…
Chất béo: dầu cá hồi, dầu oliu, dầu gấc, dầu cải, dầu mè…
Vitamin và khoáng chất: từ các loại rau củ giàu dinh dưỡng như rau bina, rau ngót, rau mồng tơi, rau dền, bí đỏ, cà rốt, khoai tây, khoai mỡ…
Món cháo này hiện nay được nấu sẵn và bày bán khá phổ biến. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và dinh dưỡng, chúng ta vẫn nên tự nấu cháo cho bé. Việc nấu món cháo dinh dưỡng thơm ngon không quá khó nếu nắm vững một số bí quyết và cách chế biến. Hãy cùng tham khảo các bí duyết và các món cháo dinh dưỡng thơm ngon cho bé và gia đình.
Cách cân đối các thành phần dinh dưỡng
Việc đo lường các thành phần dinh dưỡng sẽ không quá khó nếu bạn áp dụng cách thức sau:
Dùng loại chén 200ml và muỗng canh 10ml
Cứ mỗi chén cháo cần có tỷ lệ các chất như sau:
– Chất bột đường từ cháo hoặc bột, ngũ cốc…: 1 chén
– Chất đạm, protein từ các loại thịt: 3 muỗng canh
– Chất béo từ dầu ăn như dầu mè, dầu nành, dầu cá hồi, ô liu…: 1/2 muỗng canh
– Chất xơ – vitamin từ các loại rau củ quả: 2 muỗng canh
Những sai lầm thường gặp khi nấu cháo dinh dưỡng cho bé
Các bà mẹ thường cho rằng nước hầm xương rất bổ dưỡng. Tuy nhiên lại họ lại quên rằng chất đạm và canxi vẫn nằm trong thịt và xương. Vì vậy không nên chỉ sử dụng nước hầm xương mà cần phải xay nhuyễn thịt cho vào cháo để đảm bảo lượng protein và khoáng chất cần thiết cho bé
Cho tất cả nguyên liệu gồm thịt và rau củ vào hầm chung với cháo. Cách làm này sẽ làm cho hương vị cháo không ngon và mất chất dinh dưỡng vì thời gian hầm cháo khá lâu khiến lượng vitamin trong rau củ bị hao hụt đồng thời làm mùi hương của cháo trở nên nồng hơn. Cách tốt nhất là bạn nên chế biến riêng phần thịt và rau. Khi nào cháo nhừ thì mới cho vào, đảo đều rồi tắt bếp. Cách làm này sẽ giúp món cháo thơm ngon và đảm bảo dinh dưỡng hơn.
Một vấn đề nữa thường thấy khi nấu cháo dinh dưỡng cho bé là kiêng chất béo. Thật ra chất béo chính là chất xúc tác giúp cơ thể hấp thụ được vitamin. Vì vậy, bạn đừng quên cho dầu ăn và cháo. Và chỉ nên cho dầu ăn vào cháo ở bước cuối cùng hoàn thành món ăn. Không nên cho dầu ăn vào trong quá trình hầm cháo vì dầu ăn đun ở nhiệt độ cao sẽ phân hủy thành các chất không có lợi cho sức khỏe.
Vấn đề nêm gia vị vào cháo dinh dưỡng là một thói quen thường gặp. Tuy nhiên chỉ nên nêm gia vị khi bé ngoài ba tuổi. Đặc biệt là không nên cho muối vào thức ăn của bé.
Bí quyết nấu cháo dinh dưỡng
Cháo là thành phần quan trọng nhất trong món cháo dinh dưỡng. Không đơn thuần chỉ là nấu cháo trắng. Nếu bạn nắm vững các bí quyết sẽ tạo nên nồi cháo trắng thơm ngon hơn hẳn.
Cách chọn gạo
Để cháo sau khi nấu xong có độ sánh mịn, không bị loãng cháo khi đun sôi nhiều lần. Bạn cần chọn:
– Gạo có đặc tính dẻo, ngọt và thơm.
– Gạo mới, không để quá cũ.
– Gạo còn cám, không bị tẩy trắng.
– Thay đổi luân phiên nhiều loại gạo để bé không bị ngán như gạo lứt, gạo nếp, gạo tấm…
– Nên kết hợp gạo tẻ và gạo nếp theo tỷ lệ 1/3 để cháo ngon hơn.
Cách nấu cháo
Vo sạch gạo rồi để ráo nước. Đun sôi lượng nước theo tỷ lệ 100gr gạo : 700ml nước. Tuy nhiên tùy theo độ tuổi và khả năng ăn thô của bé mà bạn có thể gia giảm lượng nước cho phù hợp.
Khi nước sôi, cho gạo vào khuấy đều để gạo không dính đáy nồi. Chú ý chỉ khuấy theo một chiều và thỉnh thoảng mới khuấy một lần. Khi nấu không nên đậy nắp để tránh cháo bị trào.
Nấu cháo với lửa vừa. Khi thấy cháo bắt đầu nở búp thì tắt bếp, vẫn để nồi trên bếp và đậy kín nắp nồi trong ít nhất 30 phút để cháo để cháo nở bung toàn bộ.
Cách chế biến các loại thực phẩm
Sơ chế các loại thịt
Đối với các loại thịt như thịt heo, bò, gà… bạn cần khử mùi hôi của các loại thịt gia súc trước khi chế biến bằng cách:
– Thịt heo: rửa với nước muối loãng rồi chần sơ qua nước sôi
– Thịt bò rửa với rượu trắng
Các loại gia cầm như gà, vịt, chim cút, bồ câu…: Xát muối và gừng giã nhuyễn lên da rồi rửa lại với nước sạch
Các loại thủy hải sản như tôm, cua, cá, ếch, lươn…: cần rửa và lọc sạch gân máu để loại bỏ mùi tanh. Chế biến ngay sau khi sơ chế xong để giữ độ tươi ngon.
Để món cháo ngon hơn, bạn nên phi hành tỏi, sau đó áp chảo hoặc xào nguyên liệu với một chút gia vị để thịt được thơm và đậm đà.
Sơ chế các loại rau củ
Bạn có thể dùng phương pháp luộc, chưng, hấp… để làm chín các loại rau củ. Ngoài ra trước khi xay nhuyễn bạn cũng có thể dùng cách nhúng rau củ vào trong cháo sôi để rau củ vừa chín và giữ chất dinh dưỡng.
Cho thêm một ít nước cháo vào cối để xay rau củ dễ dàng hơn.
Mẹo nấu cháo dinh dưỡng cho bé tiết kiệm thời gian
Giai đoạn ăn dặm, bé cần được làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Vì vậy việc thay đổi thực đơn thường xuyên là rất cần thiết. Tuy nhiên nếu các bà mẹ không biết cách tính toán và sắp xếp thì sẽ rất mất thời gian và tốn kém khi chế biến cháo dinh dưỡng cho con.
Hãy cùng tham khảo các lời khuyên dưới đây để việc nấu cháo dinh dưỡng cho bé trở nên dễ dàng và tiết kiệm.
Chuẩn bị dụng cụ cần thiết
Máy xay hoặc rây rất cần thiết cho công đoạn làm nhuyễn nguyên liệu. Bạn nên chuẩn bị một chiếc máy xay tốt và tiện dụng để xay cháo nhanh và dễ dàng hơn.
Chuẩn bị các khay nhỏ để trữ đông hoặc hộp có nắp đậy để bảo quản thức ăn trong tủ lạnh.
Cách hầm cháo tiết kiệm thời gian
Nếu bạn bận công việc và không có nhiều thời gian để hầm cháo. Bạn có thể chuẩn bị trước phần cháo trắng đủ để bé dùng trong ngày và bảo quản thành từng phần riêng biệt trong ngăn mát tủ lạnh.
Bạn có thể sử dụng nồi cơm điện để hầm cháo sẽ thuận tiện hơn so với hầm cháo bằng bếp.
Bạn cũng có thể áp dụng cách hầm cháo ngay trong lúc nấu cơm cho gia đình bằng cách đặt gạo và nước vào bát hoặc cốc sứ rồi đặt vào trong nồi cơm điện để hầm cháo song song với thời gian nấu cơm cho cả nhà.
Sơ chế trước các nguyên liệu
Các loại thịt, rau củ bạn chỉ nên chuẩn bị lượng dùng trong một hoặc 2 ngày. Không nên chuẩn bị trước quá nhiều ngày vì như vậy sẽ làm mất chất dinh dưỡng của thực phẩm nếu bảo quản lâu trong tủ lạnh.
Bạn nên tranh thủ thời gian rảnh rỗi để sơ chế trước nguyên liệu cho ngày hôm sau để tiết kiệm thời gian nếu bạn phải đi làm.
Các loại rau củ nên sơ chế sạch và bảo quản vào trong các hộp kín theo từng khẩu phần.
Đối với các loại thịt phải bảo quản trong tủ đông. Bạn nên băm hoặc xay nhuyễn nguyên liệu. Sau đó cho vào từng bọc nilong, ép mỏng rồi mới đặt vào ngăn đông. Như vậy khi bạn rã đông sẽ nhanh hơn.
Sắp xếp thực đơn khoa học
Khi lên thực đơn cho bé bạn nên cân đối với thời gian chế biến. Sắp xếp các món đơn giản, chế biến nhanh vào những ngày bạn phải đi làm hoặc bận việc. Các món phải chế biến cầu kỳ tốn nhiều thời gian sẽ xếp vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc khi bạn rảnh rỗi.
Các món cháo dinh dưỡng ngon tuyệt cú mèo
Cháo tôm bí đỏ
Nguyên liệu
– Tôm tươi: 100gr
– Bí đỏ: 50gr
– Cháo trắng: 1 chén
– Một ít hành lá, ngò rí
– Hành tím: 1 củ
– Dầu ăn
Cách thực hiện
Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt lát mỏng. Cho bí đỏ vào xửng hấp chín mềm. Sau đó tán hoặc xay nhuyễn bí đỏ.
Tôm rửa sạch, lột vỏ, bỏ chỉ tôm. Sau đó cắt nhỏ tôm hoặc xay nhuyễn. Ướp vào 1/2 muỗng cà phê hạt nêm và phần đầu hành lá đập dập, băm nhuyễn. Phi thơm dầu ăn với hành tím rồi cho tôm vào xào chín.
Đun sôi cháo sau đó cho tôm và bí đỏ vào đảo đều. Đợi cháo sôi trở lại thì nêm thêm một muỗng cà phê dầu ăn rồi tắt bếp. Nếu bé ăn cháo nhuyễn thì bạn có thể xay cháo để cháo nhuyễn hơn.
Cho cháo ra tô, rắc thêm hành ngò lên trên tùy thích.
Cháo thịt bằm đậu hà lan
Nguyên liệu
– 1 chén cháo trắng
– Thịt heo nạc: 50gr
– Đậu Hà Lan tươi: 30gr
– Hành tím: 1 củ
– Dầu ăn: 1 muỗng cà phê
Cách thực hiện
Thịt heo rửa sạch, băm hoặc xay nhuyễn. Băm nhuyễn hành tím sau đó phi thơm với một ít dầu ăn. Cho thịt heo vào xào chín.
Rửa sạch đậu Hà Lan, để ráo nước. Sau đó hấp cách thủy để đậu Hà Lan chín mềm rồi vớt đậu ra cho vào máy xay sinh tố. Cho thêm một ít nước cháo vào rồi xay nhuyễn.
Đun sôi cháo, cho đậu Hà Lan và thịt đã xào vào, đun sôi trở lại, nêm thêm 1 muỗng cà phê dầu ăn rồi tắt bếp. Múc cháo ra tô, trang trí thêm rau mùi hoặc đậu lên trên tùy thích.
Cháo lươn khoai tím
Nguyên liệu
– Cháo trắng: 1 chén
– Thịt lươn: 100gr
– Khoai lang tím: 50gr
– Hành tím: 1 củ
– Ngò rí: 1 nhánh
– Gia vị và dầu ăn
Cách thực hiện
Lươn mua về rửa sạch với nước muối và gừng. Sau luộc lươn chín rồi gỡ lấy phần thịt lươn.
Băm nhuyễn hành tím, sau đó phi thơm với một ít dầu ăn. Cho lươn vào xào săn, vừa xào vừa đánh tơi thịt lươn. Nêm thêm 1/2 muỗng cà phê nước mắm cho lươn ngấm gia vị rồi tắt bếp.
Khoai tím gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát. Sau đó hấp chín mềm. Dùng nĩa hoặc máy xay để làm nhuyễn khoai.
Đun sôi cháo rồi cho khoai và lươn đã xào vào nấu sôi. Gia giảm nước và nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. Múc cháo ra tô, trang trí thêm vài lá ngò cho thơm.
Cháo thịt bò rau ngót
Nguyên liệu
– Cháo trắng: 1 chén
– Thịt bò xay nhuyễn: 50gr
– Rau ngót: 30gr
– Hành tím: 1 củ
– Nước dùng dashi hoặc nước lọc
– Dầu ăn: 1 muỗng cà phê
– Nước mắm: 1/2 muỗng cà phê
Cách thực hiện
Nhặt rau ngót lấy lá non, rửa sạch. Băm nhuyễn hành tím.
Ướp thịt bò với 1/2 hành tím, 1/2 muỗng cà phê nước mắm.
Phi thơm phần hành tím còn lại với dầu ăn rồi cho thịt bò vào xào săn.
Đun sôi phần cháo trắng. Sau đó trụng phần rau ngót vào nước cháo cho rau vừa chín rồi vớt ra. Cho rau ngót và thịt bò xào vào cối xay sinh tố, cho thêm chút nước dashi rồi xay nhuyễn.
Sau đó đổ hỗn hợp thịt bò, rau ngót vào cháo, đun sôi trở lại, thêm nước nếu cháo quá đặc. Nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp, cho cháo ra bát.
Cháo thịt gà rau chùm ngây
Nguyên liệu
– Cháo trắng: 1 chén
– Thịt gà phi lê: 50gr
– Rau chùm ngây: 30gr
– Hành tím băm: 1 muỗng cà phê
– Gia vị, dầu ăn
Cách thực hiện
Thịt gà rửa sạch rồi cắt hạt lựu. Phi thơm hành tím băm, sau đó cho thịt gà vào xào chín. Nêm thêm một chút nước mắm cho thịt gà thơm và vừa ăn.
Rau chùm ngây nhặt lấy lá non, rửa sạch.
Đun sôi cháo, cho rau chùm ngây vào nước cháo trụng chín. Vớt rau chùm ngây ra cho vào máy xay cùng với thịt gà đã xào, thêm một ít nước cháo rồi xay nhuyễn.
Cho hỗn hợp thịt gà và rau vào cháo, đảo đều, đun sôi. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Múc cháo ra bát, trang trí thêm phô mai nếu thích.
Cháo trứng cút bí xanh
Nguyên liệu
– Cháo trắng: 1 chén
– Trứng cút: 3 quả
– Bí xanh: 30gr
– Dầu ăn: 1/2 muỗng cà phê
Cách thực hiện
Bí xanh gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát.
Hấp bí xanh chín mềm. Sau đó xay nhuyễn bằng cối xay sinh tố.
Đập trứng cút ra chén sau đó dùng đũa đánh tan trứng.
Đun sôi cháo. Cho bí xanh vào đảo đều. Khi cháo sôi lại thì cho từ từ phần trứng đánh tan vào vừa khuấy đều. Đợi trứng chín thì cho thêm 1/2 muỗng cà phê dầu ăn vào đảo đều và tắt bếp.
Cháo cá hồi măng tây
Nguyên liệu
– Thịt cá hồi phi lê: 100gr
– Cháo trắng: 1 chén
– Măng tây: 30gr
– Phô mai: 10gr
– Cần tây: 5gr
– Nước dùng gà hoặc nước lọc: 30ml
– Gia vị cơ bản: nước mắm, dầu ăn.
Cách thực hiện
Cá hồi rửa sạch, sau đó ướp với 1 chút nước mắm rồi đem chiên áp chảo. Khi cá chín vàng hai mặt thì vớt ra. Dùng nĩa đánh thật tơi phần thịt cá.
Rửa sạch măng tây rồi cắt khúc nhỏ. Đun sôi nước dùng, cho măng tây vào luộc chín. Sau đó cho xay nhuyễn bằng cối xay sinh tố.
Đun sôi cháo, cho măng tây xay nhuyễn và thịt cá hồi và nấu sôi. Nêm thêm gia vị cho vừa ăn tùy thích rồi tắt bếp. Múc cháo ra tô, cho thêm một ít phô mai cắt hạt lựu và thịt cá hồi lên trên để trang trí nếu thích.
Bảo quản cháo dinh dưỡng đúng cách
Cách nấu cháo tốt nhất là cân đối lượng thức ăn vừa đủ cho bé dùng trong ngày. Tuy nhiên nhiều bà mẹ bận rộn bắt buộc phải nấu với lượng nhiều và bảo quản trong tủ lạnh. Cần chú ý việc bảo quản cháo trong ngăn mát tủ lạnh chỉ nên trong 1 hoặc 2 ngày. Nếu thời gian bảo quản lâu hơn sẽ khiến cháo mất đi chất dinh dưỡng. Đồng thời một số vi khuẩn bắt đầu xâm nhập, sẽ không có lợi cho sức khỏe của bé.
Cần lưu ý bảo quản riêng biệt các thành phần cháo, thịt, rau và các đồ dùng hoặc khay có nhiều ngăn riêng biệt. Bởi nếu bạn trộn chung các thành phần rồi mới cho vào tủ lạnh, hàm lượng nitrat trong rau xanh sẽ bị các vi khuẩn phân hủy thành các chất gây ung thư.
Nên đựng thức ăn trong các dụng cụ bằng sứ và thủy tinh. Tránh đựng cháo trong đồ dùng bằng kim loại vì sẽ sinh ra các hợp chất có hại.
Để hâm nóng cháo mà không làm mất chất dinh dưỡng, bạn nên sử dụng phương pháp chưng cách thủy hoặc hâm nóng bằng lò vi sóng. Thức ăn sau khi hâm nóng xong thì nên dùng ngay và không nên bảo quản lạnh trở lại.
Trên đây là một số bí quyết giúp việc nấu cháo cho bé trở nên dễ dàng hơn. Với một vài món cháo gợi ý, hy vọng bài viết sẽ giúp các mẹ có thể nhiều món ngon trong bộ sưu tập thức ăn dặm của mình.
Bạn có thể tham khảo thêm mẫu: nồi điện nấu cháo dinh dưỡng