Cháo vịt là một món ăn khá quen thuộc trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Món ăn có vị ngọt và béo đặc trưng của thịt vịt. Món cháo vịt thường được ăn kèm với gỏi trộn chua ngọt và nước mắm gừng tạo nên hương vị rất đặc trưng.
Tuy nhiên trong thịt vịt có tuyến dầu đặc trưng, nếu không nắm vững cách chế biến sẽ dễ gây ra trình trạng cháo bị hôi, rất khó ăn. Bài viết dưới đây sẽ mách bạn cách chế biến món cháo vịt thơm ngon không bị hôi
Cách sơ chế và khử mùi hôi khi nấu cháo vịt
Mẹo nhổ lông vịt
Thịt vịt sau khi làm lông xong thường sẽ vẫn còn rất nhiều lông tơ và lông ống nhỏ. Bạn hãy nấu nước thật sôi sau đó chế lên da vịt. Da vịt gặp nước sôi sẽ co lại, làm chân lỗ nổi lên, lúc đó bạn sẽ dễ dàng nhổ bằng nhíp hoặc dao nhỏ.
Bạn có thể để vịt trong thau nước, phần lông tơ sẽ nổi bồng bềnh giúp bạn dễ nhổ hơn.
Mẹo khử mùi hôi của thịt vịt
Sau khi làm sạch lông vịt, bạn hãy tiến hành khử mùi hôi trên da vịt bằng nhiều cách:
Muối và gừng: giã nhuyễn, chà xát lên da vịt thật kỹ rồi rửa lại thật sạch với nước sẽ giúp loại bỏ mùi hôi của vịt.
Chanh tươi và muối: Chanh tươi cũng có tác dụng khử mùi hôi. Bạn hãy xắt chanh thành lát mỏng, trộn cùng với muối rồi xát lên da vịt.
Sử dụng rượu gừng thoa đều lên da vịt để khoảng 5 phút rồi xả lại với nước sạch giúp đánh bay mùi hôi của thịt vịt.
Cắt bỏ toàn bộ tuyến dầu ở phần phao câu vịt trước khi chế biến. Phần tuyến dầu này chính là nguyên nhân gây ra mùi hôi của vịt. Nếu bạn không cắt phần này đi, tuyến dầu sẽ tiết ra trong quá trình nấu làm cho cháo bị hôi.
Cách chế biến món cháo vịt ngon như ngoài tiệm
Nguyên liệu
Thịt vịt: 1/2 con (khoảng 1,2kg ~1,5kg)
Gạo tẻ: 150gr
Gạo nếp 50gr
Gừng: 1 nhánh
Hành tây: 1/2 củ
Bắp cải trắng: 1/2 bắp
Cà rốt: 1 củ
Ớt tươi: 1 hoặc 2 trái
Hành tím: 200gr
Tỏi: 5 tép
Các loại rau thơm: Hành lá, ngò gai, ngò om, rau răm, húng quế, húng láng…
Gia vị: dầu ăn, muối, đường, hạt nêm, tiêu, nước mắm, chanh hoặc giấm
Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sơ chế thịt vịt
Thịt vịt mua về nhổ sạch lông tơ còn sót lại. Cắt sạch phần tuyến dầu ở phao câu vịt. Vì phần này sẽ tiết ra mùi hôi làm món cháo không ngon.
Sau đó giả nhuyễn một ít gừng và muối hột rồi chà xát lên toàn bộ bề mặt da vịt thật kỹ để khử mùi hôi.
Cuối cùng rửa sạch lại với nước rồi để ra rổ cho ráo nước.
Sơ chế gạo
Trộn lẫn gạo tẻ và gạo nếp sau đó đem vo sạch, để thật ráo nước.
Cho gạo và một cái chảo rồi bật lửa nhỏ. Rang gạo với một chút dầu ăn và một muỗng và phê nước mắm cho thơm. Khi thấy gạo bắt đầu hơi ngả vàng đục thì tắt bếp. Đảo cho đến khi gạo nguội bớt.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Bắp cải bào sợi nhuyễn. Rửa sạch sau đó vớt ra rổ cho ráo nước
Cà rốt bào vỏ, rửa sạch rồi xắt sợi nhuyễn tương tự bắp cải.
Hành ngò, rau húng, rau răm nhặt sạch, rửa với nước muối loãng rồi để ráo nước.
Gừng chia làm 2 phần: 1/2 để nguyên vỏ, rửa sạch dùng để ninh nước dùng. 1/2 cạo sạch vỏ rồi băm nhuyễn.
Tỏi và ớt tươi băm nhuyễn.
Hành tím lột vỏ, rửa sạch sau đó bào lát mỏng. Chừa lại vài củ để ninh nước dùng.
Phi hành
Cho 3 muỗng canh vào chảo đun nóng. Khi thấy dầu bắt đầu sôi thì cho phần hành tím đã bào vào chảo đảo đều.
Đảo nhẹ tay và liên tục cho đến khi thầy hành bắt đầu hơi ngả vàng thì tắt bếp. Bắc chảo xuống khỏi bếp nhưng vẫn tiếp tục đảo để hành vàng thêm.
Dùng rây vớt hành ra, để ráo dầu. Đợi hành nguội thì cho vào hộp kín để giữ nguyên độ giòn của hành phi.
Lưu ý, không nên để hành vàng trên bếp vì như vậy hành sẽ bị cháy do độ nóng trong dầu vẫn còn.
Bước 2: Luộc thịt vịt
Nướng vài củ hành tím, hành tây, gừng trên lửa bếp gas hoặc lò nướng cho đến khi dậy mùi thơm rồi cho vào nồi. Đổ khoảng 2 lít nước lọc hoặc nước hầm xương vào đun sôi.
Khi thấy nước đã sôi thì cho vịt vào luộc. Để lửa lớn cho nước sôi nhanh trở lại sau đó hạ lửa nhỏ để vịt chín từ từ mà không bị cạn nước.
Luộc thêm khoảng 20 phút. Kiểm tra xem vịt đã chín chưa bằng cách dùng đũa hoặc tâm châm vào phần đùi vịt. Khi thấy vịt đã chín thì tắt bếp, đậy nắp ủ vịt thêm khoảng 10 phút rồi vớt vịt ra. Chặt vịt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Xếp thịt vịt ra đĩa, chú ý lật bề mặt da vịt lên trên và trang trí thêm vài cọng rau thơm cho đẹp mắt.
Bước 3: Nấu cháo
Tiếp tục cho phần gạo đã rang vào nồi nước luộc vịt. Đun nhỏ lửa lớn cho nước dùng sôi trở lại rồi hạ nhỏ lửa để cháo nở dần và không bị trào. Thỉnh thoảng khuấy đều để gạo không dính vào đáy nồi.
Khi gạo bắt đầu nở bung thì nêm vào 1 muỗng cà phê muối, một muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê hạt nêm. Nêm nếm và gia giảm lượng gia vị cho hợp khẩu vị của gia đình.
Bước 4: Làm nước mắm gừng chấm thịt vịt
Cho vào chén 2 muỗng canh nước mắm, 3 muỗng canh đường, 1/2 muỗng canh nước cốt chanh, 1/4 muỗng cà phê bột ngọt. Khuấy hỗn hợp cho tan hết gia vị. Nêm nếm cho vị chua mặn ngọt hài hòa. Sau cùng cho thêm 1 muỗng canh tỏi ớt băm, 1 muỗng canh gừng băm rồi trộn đều.
Nên pha nước mắm gừng hơi keo, như vậy chấm thịt vịt sẽ ngon hơn. Vì vậy bạn không cần cho nước hoặc cho rất ít nước để nước mắm keo lại.
Bước 5: Làm gỏi bắp cải ăn kèm
Cho phần bắp cải và cà rốt bào sợi vào thau lớn giúp dễ trộn đều. Dùng kéo cắt nhỏ rau răm cho vào thau.
Pha nước trộn gỏi theo tỷ lệ 1 giấm: 2 đường. Cho thêm vào nước giấm đường một chút muối (khoảng 1/4 muỗng cà phê) cho có vị mặn, một ít hành tím bào mỏng, tỏi và ớt bằm nếu thích. Khuấy đều hỗn hợp rồi rưới lên phần bắp cải và cà rốt đã chuẩn bị.
Gắp gỏi ra đĩa, rắc thêm một ít hành phi và đậu phộng lên trên.
Thành phẩm món cháo vịt
Múc cháo vịt ra tô, rắc thêm hành ngò xắt nhuyễn, một ít hành phi và một chút tiêu xay lên trên. Thịt vịt, rau thơm bày ra đĩa cho đẹp mắt. Dọn kèm cháo vịt nóng với gỏi bắp cải chua ngọt và một chén nước mắm gừng vô cùng hấp dẫn.
Thưởng thức cháo vịt nóng cùng với gỏi chua ngọt và nước mắm gừng đậm vị vào những ngày mưa lành lạnh thì còn gì bằng. Cách thực hiện không quá phức tạp, bạn sẽ có ngay món ăn ngon để chiêu đãi cả nhà. Chúc các bạn thành công!